Ngày 04-05 tháng giêng năm Ất Tỵ (01-02/02/2025) tại khu di tích Đền Bà Chúa thôn Tổ Hoả, xã Tân Minh, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ban Tổ chức lễ hội Đền Bà Chúa tổ chức lễ hội mừng xuân Ất Tỵ 2025.
Dự buổi lễ có bà Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Ban quản lý các khu di tích tỉnh Hưng yên và các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, Ban Quản lý di tích xã Tân Minh, cùng nhân dân làng Tổ Hoả và du khách thập phương về dâng hương và mừng lễ hội.
Lễ hội được diễn ra trong 02 ngày 04-05 tháng giêng năm Ất Tỵ (01-02/02/2025) để cầu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân năm mới vạn sự bình an, may mắn và chúc cho một năm mới được thành công.
Theo Gia phả dòng họ Vũ thôn Phục Lễ, cụ Thủy tổ dòng họ là từ Thanh hóa đến lập nghiệp tại Tử Dương, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là thôn Tổ Hỏa, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), sau đó họ Vũ ở đây đã phát triển thành 3 chi: Chi thứ nhất tại thôn Tổ Hỏa, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, chi thứ hai tại thôn Phục Lễ, Vĩnh Hồng, Bình Giang và chi thứ ba tại thôn Mòi, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang.
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (trang 823) có ghi: “Trịnh Giang thích chơi bời, cung quán chùa chiền xây dựng kế tiếp;…. Từ đường, phủ đệ ở các làng ngoại thích như Tử Dương và Mi Thữ xây dựng cực kỳ nguy nga đẹp đẽ”. Theo giải thích của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, “làng ngoại thích” (Thích lý): Vợ Trịnh Cương là Vũ Thị người My Thử, nguyên quán, tổ tiên ở xã Tử Dương.
Do vậy, Tổ Hỏa và My Thử đều được coi là quê hương của Bà Chúa và các chúa đời sau, do đều là con, cháu của Bà nên các nơi này đều được coi đó là quê ngoại. Tại Tổ Hỏa và Phục Lễ đều còn nhiều di tích về Bà.
Tại Tổ Hỏa vẫn còn địa danh Phủ Chúa (là một vùng đất của làng Tổ Hỏa ngày nay) và một số di tích còn sót lại: 02 phiến đá dài hơn 2m, rộng hơn 1m. Một tấm đá được coi là của Chúa Bà chạm trổ hoa văn cầu kỳ, hiện đang là được kê làm bệ thờ trong Đền thờ, một tấm đá của Chúa Ông, hiện đặt ngoài, gần giếng ngọc.
Năm 2002, nhân dân thôn Tổ Hỏa đã xây dựng, tôn tạo lại Đền thờ Bà Chúa trên một phần đất khoảng 2 sào, cũng là trên nền đất của Phủ Chúa cũ. Sau đó, căn cứ vào di tích còn sót lại và những ghi chép trong Gia phả họ Vũ ở thôn Phục Lễ, Đền thờ Bà Chúa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2002.