Ngày 10/12/2024 (tức ngày 10/11 Giáp Thìn) tại Khu di tích quốc gia đình làng Tử Đông, xã Tân Minh. Ban Tổ chức Lễ hội xã Tân Minh long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống đình làng Tử Đông để tưởng nhớ đến công lao to lớn của Thành Hoàng làng, người đã có công khai phá lập địa, có công dẹp giặc mở mang bờ cõi và giúp nhân dân địa phương ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
các
Các đồng chí lãnh đạo ĐU - HĐND - UBND - UBMTTQ xã Tân Minh dâng hương lễ hội
Dự và chỉ đạo, tổ chức buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ - HĐND – UBND – UBMTTQ xã Tân Minh gồm: Đồng chí Đào Quang Huy – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Trần Văn Thành – Phó Bí thư thường trực ĐU, Trưởng Ban tổ chức ĐU; đồng chí Phạm Xuân Tình – Phó Bí thư thường trực ĐU, Chủ nhiệm UBKTĐU; đồng chí Nguyễn Văn Đại – Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã và các đồng chí Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ xã; các ban ngành đoàn thể, các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn trên địa bàn xã Tân Minh và toàn thể nhân dân thôn Tử Đông.
Đồng chí Nguyễn Văn Đại - Chủ tịch UBND xã, Trưởng BTC lễ hội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Nguyễn Văn Đại - Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội thông qua lịch sử di tích đình Tử Đông.

Đình Tử Đông được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 2233 ngày 26 tháng 6 năm 1995 do Bộ văn hoá cấp. Đình Tử Đông toạ lạc tạo xóm Đình Thôn Tử Đông – xã Lý Thường Kiệt – huyện Yên Mỹ – tỉnh Hưng Yên (nay là xã Tân Minh, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Đình ở cách đê 99 khoảng 100m về phía bờ sông Bắc Hưng Hải.
Đình Tử Đông được xây dựng từ thời Trần kiến trúc của đình được xây theo lối cổ: Tiền sảnh hậu cung, một quan chính điện ở giữa và 2 trái ở hai bên tả và hữu. Cửa bước vào bằng gỗ lim, có 3 cửa ra vào, 1 cửa chính và 2 cửa lách. Hoành phi câu đối, cột chống đều bằng gỗ quí.Cho đến nay, qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đình Tử Đông vẫn giữ nguyên trang vẻ cổ kính, uy nghiêm theo lối kiến trúc đình cổ thời Trần tương truyền, đình được xây dựng để thờ một vị tướng giỏi dưới thời nhà Trần có công dẹp giang Nguyên Mông ở Bạch Đằng Giang. Ông là một trong những vị tướng giỏi của nhà Trần đã tiêu diệt được Ô Mã Nhi. Ông có tên huý là Nguyễn Ngọc Nôi. Quê ở tận xứ Thanh nhân dân đã tôn ông làm Thành Hoàng làng và thờ cúng rất long trọng, linh đình. Ông được vua Trần sắc phong Thượng Đẳng Thần (4lần) 4 đời vua Trần. Hàng năm , cứ sau vụ thu hoạch mùa vào ngày 10 đến 12 tháng 11, dân làng mở hội làng rất to để tưởng nhớ tới vị Thành Hoàng làng, một vị tướng giỏi có công giết giặc cứu nước bảo vệ dân làng. Lễ hội gồm có 2 phần là phần lễ và phần hội.

a. Phần lễ: Là phần chính được dân làng tổ chức rất long trọng theo nghi lễ cổ xưa. Đoàn tế lễ và rước kiệu được lựa chọn và cắt cử rất cận thận. Người trong đội là những cụ cao niên trong làng có con cháu thành đạt và hiếu lễ. Người trong đội rước kiệu phải là những thanh niên khoẻ mạnh lực lưỡng và hiếu lễ với cha mẹ và bề trên. Ngoài ra đội khiêng trống, cầm cờ,đội múa kỳ lân, sư tử cúng được lựa chọn kĩ càng và luyện tập công phu từ vài tuần trước khi lễ hội diễn ra.

b. Phần hội: Là phần phụ nhưng không thể thiếu và không thể kém phàn quan trong. Mọi người trong làng từ già, trẻ, trai, gái đều có thể tham gia vào các tiết mục văn nghệ, hay các trò chơi dân gian như: đánh đu, chơi cớ tường, cờ người, trọi gà, bắt vịt, đua thuyền, ném niểu…. Cúng có năm làng mở hội to còn mời cả đoàn kịch về diễn kịch và mời đoàn hát quan họ về chèo thuyền hát giao duyên ở ngay chiếc ao bên cạnh gốc Đa đình. Cây Đa ở ngay cổng đình cũng có tuổi thọ vài trăm năm tuổi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đình Tử Đông là một cơ sở của cách mạng, đình đã che chở và nuôi giấu nhiều cán bộ thời tiền khởi nggiã và còn là nơi cất giấu vũ khí rất kín đáo và an toàn.
Thời kỳ hoà bình: Đình Tử Đông trở thành nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đình là nơiđể tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, nơi hội họp của hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, đình còn là nơi để tổ chức các đợt bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Gian trái của đình còn được sử dụng làm lớp học cho các cháu ở bậc mầm non trong thôn đình còn là nơi để nhân dân tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tâm linh: Tế, lễ, hội, hè.
Tự hào về đình thiêng quê mình, người dân thôn Đông đã sáng tác những vần thơ dân dã, mộc mạc để thể hiện tấm lòng thành kính đối với bậc tiền bối có công xây dựng làng:
Sân đình, giềng nước, cây đa
Rước bằng văn hoá về đình làng ta
Con đò, sóng nước xa xa
Đình thiêng ứng tự quê nhà linh thiêng.
Lễ hội năm nay diễn ra trong không khí của những ngày đầu sáp nhập xã Lý Thường Kiệt và xã Tân Việt thành xã Tân Minh. Do vậy nhận được sự hưởng ững rất lớn của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Mọi người cùng tề tựu về lễ hội để cùng cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hoà, nhân dân bình an, hạnh phúc và xây dựng quê hương ngày càng phát triển.